50 NĂM THỰC HIỆN DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (2/9/1969 – 2/9/2019)
Lượt xem: 1503

 I- HOÀN CẢNH RA ĐỜI, NỘI DUNG, GIÁ TRỊ CỦA DI CHÚC

1- Quá trình Bác viết Di chúc

“Bác viết di chúc sáng nay trầm tĩnh trong lòng

Trong suốt lời văn Bác sửa từng chấm câu, dấu phẩy”

                                       (Di chúc của Người- Chế Lan Viên)

Trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, khi ý thức được tuổi đã cao, sức đã yếu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập trung thời gian, toàn tâm, toàn ý, dồn mọi sức lực và trí tuệ để truyền tải những nội dung cơ bản, những quan điểm cốt yếu trong tư tưởng của Người vào trong “Tài liệu Tuyệt đối bí mật”. 

Tài liệu “tuyệt đối bí mật” không phải ở nội dung mà ở chỗ, Bác không muốn cho mọi người biết Bác đang làm cái công việc cuối cùng của một đời người.

“Ai mà đoán biết tôi sẽ sống và phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng mấy năm mấy tháng nữa? Vì vậy, tôi để lại mấy lời này, chỉ nói tóm tắt vài việc thôi. Phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột”.

(Ảnh bác)

Bác Hồ bắt đầu viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc với tiêu đề “Tuyệt đối bí mật” vào lúc 9 giờ sáng thứ hai, ngày 10/5/1965; đến 10 giờ, Bác viết xong phần mở đầu. Bác xếp tài liệu lại và chuyển sang làm các công việc thường ngày.

Các ngày tiếp theo, ngày 11, 12, 13/5/1965, cũng vào giờ đó (từ 9 giờ đến 10 giờ), Bác viết tiếp các phần còn lại.

Riêng ngày 14/5/1965, do buổi sáng có lịch đi thăm một hợp tác xã ở ngoại thành Hà Nội và dự một phiên họp của Bộ Chính trị, Bác chuyển viết Di chúc sang buổi chiều với thời gian gấp đôi, từ 14 giờ đến 16 giờ. Bản Di chúc được hoàn thành gồm 3 trang, cuối bản Di chúc đề ngày 15/5/1965, có chữ ký của Bác và bên cạnh có chữ ký của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Bản Di chúc được Bác cho vào phong bì và giao cho đ/c Vũ Kỳ cùng lời dặn:“Chú cất giữ cẩn thận, vào dịp này sang năm nhớ đưa lại cho Bác”.

Và hàng năm, cứ đến dịp sinh nhật Bác, đồng chí Vũ Kỳ lại đặt bản Di chúc lên bàn làm việc của Bác; sau đó Bác bổ sung và giao lại cho đồng chí Vũ Kỳ. Bác đọc kỹ bản Di chúc xem xét, cân nhắc kỹ từng đoạn, từng câu, từng ý, từng lời và bổ sung thêm vào bản Di chúc tùy theo tình hình đất nước.

- Năm 1966, Bác bổ sung thêm phần nói về tự phê bình và phê bình trong Đảng, trong đó Bác nhấn mạnh: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

- Năm 1967, Bác xem lại bản Di chúc, nhưng không sửa gì.

- Năm 1968, Bác viết thêm 6 trang, gồm một số đoạn về việc riêng và một số công việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, trong đó:

+ Bác viết lại đoạn mở đầu và đoạn nói "về việc riêng" trong bản năm 1965,

+ và viết thêm một số đoạn nói về những công việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta hoàn toàn thắng lợi, như: chỉnh đốn lại Đảng, quan tâm gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, chăm sóc đời sống của các tầng lớp nhân dân, miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp,                            xây dựng lại thành phố và làng mạc, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hoá, củng cố quốc phòng, chuẩn bị thống nhất đất nước.

- Năm 1969, vào ngày 10/5, Bác viết lại toàn bộ đoạn mở đầu Di chúc, gồm một trang viết tay. Sau đó, trong các ngày từ 11 đến ngày 19/5/1969, Bác còn tiếp tục sửa chữa bản Di chúc của các năm 1965, 1968, 1969. Đúng 10 giờ ngày 19/5/1969, là kỷ niệm ngày sinh lần thứ 79 của Bác, Bác đọc lại lần cuối cùng tất cả các bản Di chúc đã viết trước đó, rồi xếp tất cả bỏ vào phong bì và cất đi…

Đó là những ngày nắng nóng ở Hà Nội. Khu vườn Chủ tịch phủ đầy bóng cây, nhưng không khí rất oi nóng, ngột ngạt. Bác vẫn duy trì nếp sinh hoạt như mọi ngày. Buổi sáng dậy tập thể dục, tưới cây, ăn sáng và cho cá ăn. Những bước chân của Bác lên xuống cầu thang đã chậm chạp và khó khăn dần. Tuy vậy, Bác vẫn cố gắng để những người phục vụ, những đồng chí lãnh đạo đến làm việc với Bác không nhận thấy điều đó.

Cũng trong tháng 5 rất đáng ghi nhớ này, các cán bộ cao cấp toàn quân đã đến thăm và mừng thọ nhân dịp Bác 79 tuổi. Đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp cùng dự trong buổi gặp mặt đầy lưu luyến và xúc động ấy.

Đ/c Võ Nguyên Giáp thay mặt Quân uỷ Trung ương Bộ Quốc phòng và toàn quân lên chúc Bác mạnh khoẻ, sống lâu, hứa với Bác quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ để đón Bác vào thăm miền Nam.

Đ/c Vương Thừa Vũ thay mặt anh em ôm một bó hoa lớn lên mừng thọ Bác.

Bác ngồi trên chiếc ghế tựa, cảm động nhận hoa và cảm ơn các chú ở quân đội luôn quan tâm tới sức khoẻ của Bác. Bác bảo các chú đánh thắng giặc là Bác vui, Bác khoẻ ra nhiều… Giọng Bác ấm áp, quen thuộc nhưng nhỏ và thỉnh thoảng Bác đã phải dừng lại nghỉ.

Buổi gặp mặt hôm ấy, các tướng lĩnh ai cũng thầm nghĩ, có lẽ đây là lần cuối cùng họ được gần Bác, được nghe tiếng nói âm vang đầy trìu mến của Người.

Vào buổi sáng 2/9/1969, tình trạng sức khỏe của Bác Hồ đã yếu đi nhiều. Thế nhưng, 3 lần tỉnh lại sau cơn đau, Bác luôn muốn được nghe những làn điệu dân ca quê hương.

+ Lần đầu tiên tỉnh lại, Bác nhìn xung quanh rồi cất giọng hỏi: “Các chú có ai biết hò Huế không?”.

+ Lần thứ hai tỉnh lại, Người lại hỏi: “Trong các chú ai có thể hát cho Bác nghe một làn điệu ví, giặm Nghệ Tĩnh được không?”.

+ Lần thứ ba thức dậy, Người ngỏ ý muốn nghe một câu dân ca quan họ Bắc Ninh. Lần này, thật may mắn, cô y tá Ngô Thị Oanh đã tiến lại gần Bác và thưa: “Thưa Bác, cháu xin hát cho Bác nghe ạ”. Và trong nỗi xúc động nghẹn ngào, cô y tá viện 108 cất lên lời hát của làn quan họ: “Người ơi, người ở đừng về…”. 

Bác Hồ đã thanh thản ra đi vào lúc 9h47 phút buổi sáng ngày 2/9/1969 trong giai điệu dân ca ngọt ngào, sâu lắng thắm đượm tình người, tình quê hương. Một con người vĩ đại, một nhân cách vĩ đại. Cả cuộc đời chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp của đất nước, và trong khoảnh khắc cuối cùng của đời người cũng vẫn đau đáu một nỗi niềm vì đất nước nên Người muốn được lắng hồn mình trong những khúc hát dân ca quê hương.

Lịch sử có một sự trùng hợp lạ kỳ. Ngày mồng 2/9/1945, chính là ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập nổi tiếng khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa- Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên ở Đông Nam Á. Hai mươi bốn năm sau, năm 1969, vào đúng ngày 2/9, Người đã vĩnh biệt chúng ta!

Vì vậy, để nhân dân có thể kỷ niệm lễ Quốc khánh thật yên tĩnh, Bộ Chính trị đã quyết định công bố ngày mất của Bác lùi lại một ngày: ngày mồng 3 tháng 9. Sau này, Bộ Chính trị thấy cần thiết phải nói đúng ngày, đúng giờ Bác mất để nhân dân làm giỗ cho Bác cho nên bây giờ chúng ta biết chính xác Bác mất vào 9 giờ 47 phút ngày 2/9/1969- Bác lập nước ngày nào thì Bác ra đi ngày đó). (Ngày 2/9/1969 ứng với 21/7 âm lịch).

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, chiều ngày 03/9/1969, Bộ Chính trị (khóa III) quyết định triệu tập Hội nghị bất thường họp để bàn và đi đến quyết định tổ chức Lễ quốc tang Hồ Chủ tịch với nghi thức trọng thể nhất, đồng thời quyết định công bố “Tài liệu tuyệt đối bí mật” với tên gọi là Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 09/9/1969, Lễ quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh được cử hành trọng thể tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. “Tài liệu tuyệt đối bí mật”-  Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức được Bộ Chính trị công bố gồm 4 trang in khổ 14,5 cm x 22 cm.

Cùng với việc công bố “Tài liệu tuyệt đối bí mật”-  chính là Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 29/9/1969, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 173-CT/TW về đợt sinh hoạt chính trị: "Học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch”.

14 năm sau ngày giải phóng miền Nam và 20 năm sau ngày Bác mất, Bộ Chính trị ra Thông báo số 151-TB/TW, ngày 19/8/1989, "về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh".

Thông báo được đăng trang trọng trên trang nhất Báo Nhân dân số ra ngày 01/9/1989. Nội dung thông báo nêu rõ: “Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một bản Di chúc vô cùng quý báu. Di chúc được công bố ngay sau khi Bác qua đời và đã trở thành một nguồn cổ vũ lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến lên giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng Tổ quốc, thống nhất đất nước và đưa nước nhà vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Song do hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ mà có một số điều chưa được công bố. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày Bác qua đời và chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá VI) thấy có trách nhiệm thông báo đến toàn Đảng, toàn dân một số vấn đề liên quan đến Di chúc của Bác và ngày Bác qua đời”.

Về bản Di chúc công bố tháng 9/1969, Thông báo khẳng định:“Việc chọn bản Di chúc Bác viết năm 1965 để công bố chính thức là đúng đắn, vì đây là bản duy nhất được viết hoàn chỉnh, có chữ ký của Bác và bên cạnh có chữ ký chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng lúc bấy giờ. Lấy đoạn mở đầu Bác viết năm 1969 thay cho đoạn mở đầu Bác viết năm 1965 là hoàn toàn hợp lý vì Bác qua đời năm 1969, và nội dung bản viết năm 1969 cũng phong phú hơn”.

Nội dung Thông báo cũng giải thích rõ năm 1969, khi Bác mất, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước còn đang diễn ra rất ác liệt, tình hình đất nước còn rất khó khăn, Đảng và Nhà nước ta chưa có điều kiện để thực hiện một số nội dung trong Di chúc của Bác nên chưa công bố. Đó là những nội dung về những việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, miễn giảm thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp, cho bà con nông dân và đề nghị của Người về hoả táng thi hài.

Đến năm 1989, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) thấy cần có kế hoạch thực hiện những điều mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bổ sung trong Tài liệu tuyệt đối bí mật năm 1968 như: hàn gắn vết thương chiến tranh, chỉnh đốn Đảng, chăm sóc đời sống các tầng lớp nhân dân, miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp,... nên đã công bố toàn bộ “Tài liệu tuyệt đối bí mật” – Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Điều này không chỉ phù hợp với nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân ta, mà còn có ý nghĩa đối với thực tiễn của cách mạng trong thời kỳ mới, khi mà toàn Đảng, toàn dân bắt đầu bước vào công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam.

=> Như vậy, việc công bố “Tài liệu tuyệt đối bí mật” - Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Bộ Chính trị thực hiện năm 1969 và năm 1989 đã đảm bảo đầy đủ các yếu tố về quan điểm chính trị như: đứng trên lợi ích của quốc gia, dân tộc, phù hợp với yêu cầu chung của xã hội, đảm bảo được các yêu cầu trước mắt và chiến lược lâu dài của sự nghiệp cách mạng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của đời sống xã hội, đáp ứng được nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân ta.

Năm 2012, toàn bộ các bản gốc “Tài liệu Tuyệt đối bí mật” hay còn gọi là Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ Công nhận là Bảo vật quốc gia, hiện nay đang được bảo quản theo chế độ đặc biệt tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng bao gồm 03 bản, 01 bản đánh máy chính thức năm 1965 và 02 bản viết tay bổ sung các năm 1968, 1969 cụ thể:

- Bản đánh máy chính thức gồm 03 tờ, đề ngày ngày 15/5/1965, được đánh máy chữ mực xanh (đánh máy một mặt) trên giấy thường, có chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh phía cuối trang 3, bên cạnh chữ ký của Bác là chữ ký của người làm chứng (đ/c Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương).

- Bản viết tay bổ sung năm 1968 gồm 04 tờ, đề tháng 5/1968, được viết tay bằng mực xanh, 02 tờ viết 2 mặt, 02 tờ viết một mặt. Xen kẽ là những dòng viết bằng mực đỏ, có chỗ gạch xóa.

- Bản viết tay bổ sung năm 1969 có 01 tờ, đề ngày 10/5/1969, viết tay bằng mực xanh ở mặt sau của tờ tin tham khảo đặc biệt của Việt Nam Thông tấn xã (trang 15a, ra ngày 3/5/1969). Xen kẽ là những dòng viết bằng mực đỏ, có chỗ gạch xóa.

Qua những bút tích của Bác còn lại trong các bản Di chúc đã cho thấy:

+ Đây là văn bản được Bác tập trung thời gian, suy nghĩ, chỉnh sửa nhiều nhất so với các văn bản bút tích của Bác để lại.

+ Thể hiện tinh thần trách nhiệm của Bác trước sự nghiệp cách mạng của dân tộc, là tấm lòng của vị lãnh tụ với tương lai đất nước.

+ Bản Di chúc còn mang nét độc đáo rất riêng nữa là, dù bút tích Bác ghi rõ "Tuyệt đối bí mật", nhưng đây lại là tài liệu được công bố rộng rãi nhất, được nhiều thế hệ học tập, noi theo.

2- Nội dung cốt lõi của Di chúc: (7 nội dung cốt lõi)

Năm nay, năm 2019, Đảng ta sẽ tổ chức kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Hồ Chủ tịch. Trong những năm qua, Đảng khởi xướng lãnh đạo công cuộc đổi mới hơn 30 năm. Những chặng đường lịch sử ấy đều liên quan đến một vấn đề rất then chốt là Đảng và xây dựng Đảng. Đây chính là nội dung đầu tiên được Bác nhấn mạnh trong Di chúc.

Thứ nhất: nói về Đảng và việc giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng.

Từ khi chưa có Đảng, Bác đã nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của việc xây dựng tình đoàn kêt. Trong bài thơ “Hãy yêu thương nhau cùng nhau đoàn kết”, ngày 23/08/1925, Bác viết:

“Hãy yêu thương nhau cùng nhau đoàn kết/

Hãy lắng nghe câu hát đáy lòng tôi/

Kẻ không đoàn kết cũng như chim lạc đàn/

Chóng hoặc chày rồi sẽ trúng tên/

Vì đơn độc sẽ làm mồi cho hiểm họa/

Từ kết đoàn hạnh phúc sẽ sinh sôi”…

Trong Di chúc Người đã khẳng định ý nghĩa thực tiễn của sự đoàn kết: “TRƯỚC HẾT NÓI VỀ ĐẢNG - Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hǎng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

ĐOÀN KẾT là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Từ đó, Người căn dặn, chỉ ra cách để củng cố và phát triển sự đoàn kết trong Đảng: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.”

"Dao có mài, mới sắc

Vàng có thui, mới trong

Nước có lọc, mới sạch

Người có tự phê bình, mới tiến bộ. Đảng cũng thế.

“Tự phê bình và phê bình” phải trên tình đồng chí thương yêu lẫn nhau nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng yếu tố đạo đức trong Đảng, Người viết: Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.”

Lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh 4 chữ "thật": "thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng", "thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư", "thật trong sạch", "thật trung thành của nhân dân”.

Thứ hai: nói về đoàn viên và thanh niên

Bắt đầu từ những năm tháng xa Tổ quốc, tìm đường cứu nước, cứu dân thoát khỏi cảnh đọa đầy đau khổ, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu về thanh niên Việt Nam. Trong cuốn sách Hồ Chí Minh toàn tập do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản từ năm 1995, Hồ Chí Minh đã 80 lần nói về vị trí, vai trò của thanh niên, trong đó có 67 lần nói về công tác giáo dục, đào tạo thanh niên. Điều này cho thấy ngay từ đầu và trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, lực lượng thanh niên luôn được Người đặt ở vị trí những vấn đề hệ trọng đến vận mệnh quốc gia, dân tộc.

Trong thời kỳ nước ta bị thực dân Pháp thống trị, lực lượng thanh niên bị thực dân Pháp đầu độc bằng rượu cồn và thuốc phiện, biến một bộ phận thanh niên nước ta trở nên mù quáng, làm tay sai cho chúng.

Trước thực trạng đau xót đó, Người đã viết nhiều bài tố cáo tội ác dã man, đê tiện của bộ máy chính quyền thuộc địa, rung hồi chuông cảnh báo: "Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám Thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh". Thanh niên trong tư tưởng của Người là lực lượng trẻ, khỏe, đông đảo trong xã hội; họ là "người chủ tương lai của nước nhà". Vận mệnh nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh phần lớn là "do các thanh niên".

Trong bản Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “ĐOÀN VIÊN VÀ THANH NIÊN ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ” và căn dặn: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Thứ ba: nói về nhân dân lao động

Cốt lõi của tư tưởng HCM: gồm 4 chữ “Vì Dân, Do Dân”.

Bác Hồ là người viết và nói về dân hay nhất, sâu sắc nhất, cảm động nhất; cả cuộc đời làm việc, hành động đều vì dân.

Ở Bác Hồ có sự gắn kết chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, giữa nói và làm.

Trong Di chúc, Người khẳng định “Nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng".

Suốt cả cuộc đời của Người là chăm lo cho đời sống của nhân dân.

Tuổi thiếu niên: “Vào trạc tuổi 13, lần đầu tiên tôi được nghe những từ ngữ tiếng Pháp: tự do, bình đẳng, bác ái - đối với chúng tôi lúc ấy, mọi người da trắng được coi là người Pháp - thế là tôi muốn làm quen với văn minh Pháp, tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy”.

“Tôi ra nước ngoài để xem họ làm thế nào để về cứu giúp đồng bào mình”.

Và mong muốn đến cuộc đời: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.”

“Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu cực khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”.

Và trước khi về thế giới bên kia, thế giới của người hiền, Người căn dặn trong Di chúc:"Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân".

Bác sinh ra từ dân, sống trong lòng dân, đến lúc chết vẫn nghĩ cho dân.

Thứ tư: Dự báo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có thể kéo dài nhưng nhất định thắng lợi.

"CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.

Còn non, còn nước, còn người,

Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!

Dù khó khǎn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”

Và đúng như tiên đoán diệu kỳ của Người, mùa xuân 1975, với thắng lợi vĩ đại của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đất nước ta đi đến thống nhất, "đồng bào Nam Bắc sum họp một nhà".  

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, sau khi kháng chiến thắng lợi, ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển đất nước; Đảng và Nhà nước phải quan tâm chăm lo tới mọi đối tượng trong xã hội, đem lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân.

Không chỉ bản Di chúc của Người mới có nhiều dự báo. Mà lúc sinh thời, Hồ Chủ tịch đã có nhiều lần tiên đoán đúng và đã được thực tế khẳng định. Ngược về những năm đầu thế kỷ XX có thể thấy Hồ Chủ tịch có nhiều tiên lượng chính xác tình hình.

+ Đó là, trong một bài viết vào năm 1940, Hồ Chủ tịch cũng khẳng định: “Phát xít Đức rồi sẽ tấn công Liên Xô. Nếu chúng đánh Liên Xô thì Liên Xô sớm muộn thế nào cũng sẽ tiêu diệt chúng, nhờ đó, cách mạng nhiều nước có thể sẽ thành công.”

+ Bước sang năm 1941, trước những diễn biến mới trên thế giới, Người cũng dự báo: “Nếu trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Liên Xô một nước XHCN ra đời, thì trong cuộc chiến tranh lần thứ 2 này sẽ sinh ra nhiều nước XHCN, cách mạng ở nhiều nước sẽ thành công.” 4 năm sau, quả đúng Liên Xô đã đánh bại phát xít, giúp một loạt nước Đông Âu đứng lên giành độc lập dân tộc, mở đường cho hệ thống XHCN ra đời.

+ Cuối năm 1941, sau khi Bác Hồ từ Trung Quốc về Pắc Bó (Cao Bằng), Người đã viết tập diễn ca “Lịch sử nước ta” với lời mở đầu “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” và ở câu kết, Bác khẳng định: “Việt Nam độc lập -1945”. Sự thực, chỉ 4 năm sau thôi, tức là vào 2/9/1945, chính Người đã đọc bản Tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

+ Đầu năm 1954, trên khắp các chiến trường, cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp đang trong giai đoạn ác liệt nhất. Nhưng, dường như nắm chắc vận mệnh dân tộc, bài thơ chúc Tết năm 1954 của Hồ Chủ tịch đã khẳng định chắc chắn: “Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi/Độc lập thống nhất, nhất định thành công”.

+ Không chỉ thế, trong khi cả nước đang tưng bừng với niềm vui kết thúc cuộc kháng chiến “kết vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”, thì chính Người đã nhìn thấy những âm mưu xâm lược của ngoại bang.

Nhà thơ Tố Hữu kể lại: Chiều 7/5/1954, sau khi nhận tin chiến thắng Điện Biên Phủ, ông đã lên xin ý kiến Hồ Chủ tịch. Và có một điều lạ là Người rất bình tĩnh nói với Nhà thơ Tố Hữu rằng: “Đây chỉ là chiến thắng bước đầu. Chiến tranh chưa kết thúc đâu. Không khéo ta phải đánh nhau với Mỹ còn lâu dài, gian khổ đấy!”.

Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng kể về bức điện ông nhận được vào chiều ngày 5/5/1954 của Bác Hồ: “Thắng lợi tuy lớn nhưng chỉ bước đầu đấy!... Còn phải đánh Mỹ…” Sự thật, chỉ ít lâu sau, chúng ta lại phải tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ kéo dài tới 20 năm, đúng như nhận định của Hồ Chủ tịch.

+ Đến năm 1960, trong Diễn văn lễ mừng Quốc khánh 2/9/1960, Bác đã dự báo về việc thống nhất đất nước: "Trong lúc chúc mừng ngày Quốc khánh vĩ đại lần thứ 15, chúng ta càng nhớ đến đồng bào ta ở miền Nam đang anh dũng đấu tranh chống chế độ tàn bạo của Mỹ - Diệm. Chúng ta gửi đến đồng bào miền Nam mối tình ruột thịt và hứa với đồng bào rằng: Toàn dân ta đoàn kết nhất  trí, bền bỉ đấu tranh, thì chậm lắm là 15 năm nữa, Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, Bắc - Nam nhất định sẽ sum họp một nhà". Bác gạch dưới trong bản thảo các chữ "chậm lắm là 15 năm nữa".

Và chính Người cũng dự báo về khả năng chúng ta sẽ phải chiến đấu với không quân Mỹ và đã chỉ đạo nghiên cứu cách đánh B52.

Đó là vào tháng 12/1962 đ/c Phùng Thế Tài - Tư lệnh, kiêm Chính uỷ Quân chủng Phòng không- Không quân được Bác Hồ hỏi: Chú biết gì về B52 chưa? và dặn phải theo dõi chặt chẽ, thường xuyên quan tâm đến loại máy bay B52.

Vào cuối năm 1967, đầu năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự báo: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến mọi tình huống càng sớm càng tốt để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị. Bác còn dặn rằng: Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã huỷ diệt Bình Nhưỡng..”

Và Hồ Chủ tịch chỉ tay lên bầu trời Hà Nội nói: ở Việt Nam Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội. Vì thế, nhiệm vụ của các chú hết sức nặng nề.”.

Như vậy, hoàn toàn đúng như Người dự đoán, cuối năm 1972, Mỹ đã tiến hành một cuộc tập kích qui mô lớn đánh phá miền Bắc. Nhưng nhờ có sự chỉ đạo chu đáo từ trước, quân và dân ta hoàn toàn không bất ngờ như địch tưởng, nên đã đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của địch, đã làm nên chiến thắng lẫy lừng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", buộc một đế quốc sừng sỏ phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán, tạo bước chuyển quyết định để ta bước vào cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975, thống nhất đất nước.

Dự báo nối tiếp của những dự báo. Dự báo trước làm cơ sở, tiền đề cho dự báo sau. Kết quả thắng lợi từng phần của cách mạng cho thấy đó là một thực tiễn sinh động, một căn cứ khoa học để Hồ Chí Minh viết trong Di chúc: Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam nhất định thắng lợi. Đó là một điều chắc chắn.

Khi nói về Thiên tài của Hồ Chí Minh trong dự báo chiến lược, cố Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng đã viết:

"Hồ Chí Minh tiên sinh, Người yêu mến của chúng ta,

Bậc chí sĩ chân chính yêu nước,

Nhà cách mạng lão luyện chuyên gia

Chân du lịch khắp cả toàn cầu

Tầm con mắt trông cao tột bậc

Nhận rõ đại cuộc, xét thấu thiên cơ”

“Về bằng cấp thì ông Hồ không tiến sĩ, phó bảng gì cả. Nhưng nói về tri thức và sự nghiệp cách mạng thì chắc chắn lớp chúng ta cũng như lớp trước chúng ta, không ai bì kịp. Sự thấu hiểu của ông Hồ rất xa, rất rộng, chẳng những việc trong nước và cả việc thế giới nữa kia."

Và một lần nữa chúng ta lại được thấy tầm nhìn chiến lược vượt trước thời đại của Người trong Di chúc, “Nước ta sẽ có vinh dự lớn là nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to - là Pháp và Mỹ”.

Tin khác
Tin mới



 

image advertisement
image advertisement



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân xã Nghĩa Thái - Nghĩa Hưng - Nam Định
              Địa chỉ: Xã Nghĩa Thái - huyện Nghĩa Hưng - tỉnh Nam Định
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang